THƯ NGỎ GỬI CÁN BỘ, CÔNG NHÂN VIÊN TOÀN NGÀNH CỦA TỔNG GIÁM ĐỐC TỔNG CÔNG TY ĐSVN

Thân ái gửi toàn thể anh chị em cán bộ, công nhân viên, người lao động trong toàn Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Trước hết, thay mặt lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, tôi xin được gửi tới toàn thể anh chị em cán bộ, công nhân viên, người lao động trong toàn Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cùng gia đình những lời thăm hỏi chân thành, thân thiết nhất.

 Thưa các bạn đồng nghiệp!

Có thể thấy rằng, trong khó khăn chung của nền kinh tế đất nước do những tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, để đứng vững trên thị trường, các doanh nghiệp đang phải cạnh tranh gay gắt và đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Với thị trường vận tải nội địa, thực tế đã và đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt giữa các phương thức vận tải; các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải đã đẩy mạnh đầu tư, mua sắm phương tiện hiện đại, đồng thời không ngừng đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh, cải tiến nâng cao chất lượng dịch vụ,… nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút khách hàng, mở rộng và chiếm lĩnh thị phần vận tải.

Là một doanh nghiệp vận tải, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng đang phải căng mình trước cơn bão của thị trường, đặc biệt vận tải đường sắt hiện đang phải đối mặt với nguy cơ đào thải rất cao nếu không có sự đổi mới, đột phá trong tư duy và hành động, trong khi nhu cầu của thị trường đòi hỏi ngày càng khắt khe về chất lượng phục vụ. Mặc dù trong những năm qua chúng ta cũng đã rất cố gắng, và trong thực tế Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm ở mức tương đối khá. Tuy nhiên có thể thấy rằng, sự phát triển này vẫn chưa theo kip nhu cầu của thị trường, của xã hội, đòi hỏi của nhân dân; tốc độ phát triển là chưa đủ và chưa theo kịp trước sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện vận tải khác. Điều này dẫn đến thị phần vận tải đường sắt nhiều năm gần đây liên tục sụt giảm và hiện tại chỉ chiếm dưới 1% trong thị phần vận tải cả nước. Nếu như chúng ta không có hành động quyết liệt để ngăn chặn sự sụt giảm, từng bước lấy lại thị phần vận tải thì rất có thể trong tương lai không xa, vận tải đường sắt sẽ không còn cần thiết đối với nhu cầu phát triển của xã hội nữa và khi đó sự tồn tại hay không tồn tại sẽ là một thực tế hiển nhiên đối với ngành Đường sắt.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tụt hậu của vận tải đường sắt, trong đó một phần do hệ thống cơ sở hạ tầng cũ kỹ lạc hậu, vốn đầu tư phát triển hạn chế,… song phải thẳng thắn nhìn nhận rằng một trong những nguyên nhân chính là do chúng ta chậm đổi mới, chậm thích ứng với sự cạnh tranh, với cơ chế thị trường. Đã đến lúc cần phải dũng cảm thừa nhận thực tế: Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang đứng trước khó khăn, thách thức lớn chưa từng có trong nhiều thập kỷ gần đây; nguy cơ vận tải đường sắt không còn tồn tại sẽ thành sự thật nếu chúng ta không hành động.

Đứng trước những khó khăn, thách thức đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chỉ còn duy nhất một con đường: Thay đổi để lấy lại niềm tin của xã hội, của nhân dân, để tồn tại và phát triển, trong đó toàn thể anh chị em cán bộ, công nhân viên, từ những người lãnh đạo cao nhất cho tới những người lao động ở bất kỳ vị trí, lĩnh vực công tác nào đều phải thấu hiểu và cùng xác định yêu cầu bức bách là phải đổi mới tư duy, đổi mới cách nghĩ, cách làm và đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức.

 

tauhoa2

 

Trước yêu cầu bức thiết phải thay đổi để tồn tại và phát triển, thời gian qua, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có những bước đi nhanh hơn, quyết liệt hơn trên lộ trình tái cơ cấu; quyết tâm thay đổi để vượt lên chính mình; tích cực triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt theo hướng tất cả vì khách hàng, thực hiện phương châm kinh doanh, phục vụ khách hàng: “An toàn - Thuận tiện - Thân thiện - Đúng giờ - Hiệu quả”; kiên quyết xóa bỏ những định kiến, hình ảnh xấu về đường sắt,…lấy lại niềm tin của nhân dân, của khách hàng. Và những nỗ lực, những thay đổi trên của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam bước đầu đã nhận được những tín hiệu lạc quan thông qua sự phản hồi tích cực của khách hàng và dư luận xã hội. Tuy chưa thực sự tạo ra thay đổi lớn, song phải khẳng định rằng chúng ta sẽ không thể có được kết quả này nếu như không có sự đồng sức, đồng lòng, chia sẻ của toàn thể cán bộ, công nhân viên, lao động trong toàn ngành, đặc biệt trong quá trình thực hiện lộ trình tái cơ cấu thời gian qua. Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trân trọng trước những nỗ lực, đóng góp quan trọng đó của toàn thể cán bộ, công nhân viên, lao động toàn ngành.

Thưa các bạn đồng nghiệp!

Theo chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt trong chiến lược chung toàn ngành giao thông vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 355/QĐ-TTg ngày 25/02/2013, mục tiêu sản xuất kinh doanh đến năm 2020 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là: tham gia tái cơ cấu thị trường vận tải nội địa theo hướng giảm dần thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần vận tải đường sắt và vận tải đường thủy nội địa. Đây là thách thức, song cũng chính là cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh nếu như chúng ta nắm bắt và tận dụng thành công.

Quyết tâm tạo sự chuyển mình, vươn lên trong thời gian tới, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam mong muốn toàn thể anh chị em cán bộ, công nhân viên trong toàn ngành tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu đổi mới của ngành, mà trước mắt cần tập trung triển khai thực hiện tốt 5 nhóm giải pháp đột phá sau:

Thứ nhất: Đặc biệt quan tâm chất lượng con người trên cơ sở tiếp tục thực hiện triệt để Đề án tái cơ cấu Tổng công ty giai đoạn 2012-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tiến hành cổ phần hóa Tổng công ty Đường sắt Việt Nam theo đúng lộ trình. Chúng ta phải kết nối 4 vạn cán bộ, công nhân viên đường sắt dưới một mái nhà, trong đại gia đình đường sắt. Toàn Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phải là một thể thống nhất với phương châm hành động: “Toàn ngành làm vận tải”. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, đổi mới chương trình và mở rộng các hình thức đào tạo, coi trọng công tác xã hội hóa trong đào tạo, đảm bảo đủ nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ nhu cầu phát triển đường sắt hiện đại. Xây dựng, cải tiến chính sách tiền lương và các chế độ đãi ngộ đối với người lao động, đặc biệt ở các vùng sâu vùng xa.

Thứ hai: Tập trung nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp theo định hướng khách hàng, đảm bảo kinh doanh có lãi. Cắt giảm những chi phí chưa cần thiết để tập trung tối đa nguồn lực cho việc tăng trưởng thị phần, xây dựng thương hiệu Đường sắt Việt Nam trở nên thân thiện, gần gũi với khách hàng theo quan điểm “ Tất cả cho khách hàng - Khách hàng cho tất cả”. Phát triển giao thông vận tải đường sắt theo hướng tăng tính kết nối với các phương thức vận tải khác, gắn kết với đảm bảo an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội của các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, bảo vệ môi trường, đảm bảo trật tự an toàn xã hội và góp phần giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông.

Thứ ba: Tăng cường công tác đảm bảo an toàn chạy tàu, an toàn giao thông đường sắt - Đây là giá trị cốt lõi quan trọng hàng đầu mà toàn ngành phải dốc toàn tâm toàn lực để kiểm soát, lấy phương châm phòng ngừa làm chính, bởi khi đã để xảy ra rồi thì không có cơ hội để sửa sai.

Thư tư: Tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, trước mắt là khâu bán hàng, điều hành chạy tàu, quản lý vận dụng toa xe, công tác bảo dưỡng sửa chữa kết cấu hạ tầng đường sắt. Đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ chuyên ngành, tăng cường hợp tác quốc tế để nhanh chóng công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành Đường sắt. Xây dựng chính sách khuyến khích việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, khuyến khích đào tạo và thu hút các nhà chuyên môn giỏi làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt. Ứng dụng khoa học công nghệ mới trong khai thác vận tải, xây dựng kết cấu hạ tầng, công nghiệp và dịch vụ. Đặc biệt chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức khai thác, thu thập và xử lý thông tin khách hàng; phát triển hệ thống bán vé và soát vé tự động; đầu tư các dịch vụ cộng thêm (gia tăng) trên các đoàn tàu, nhà ga để tăng tính thân thiện, sự thoải mái cho hành khách.

Thứ năm: Tập trung ưu tiên đầu tư tăng cường năng lực thông qua trên các khu đoạn hạn chế; nâng cao năng lực lập tàu và xếp dỡ hàng hóa tại các trọng điểm hàng hóa phía Nam và tuyến phía Tây; tiến hành đồng thời công tác nghiên cứu, xúc tiến các dự án xây dựng các tuyến đường sắt hiện đại trên trục Bắc - Nam để phục vụ nhu cầu phát triển vận tải đường sắt sau năm 2020; cải thiện môi trường đầu tư để khuyến khích các thành phần kinh tế và huy động tối đa mọi nguồn lực trong xã hội tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, phương tiện vận tải và kinh doanh vận tải đường sắt theo quy hoạch và sự quản lý thống nhất của Nhà nước.

Thưa các bạn đồng nghiệp!

Trong kinh doanh có một triết lý: “Điều duy nhất không thay đổi chính là sự thay đổi”. Từ thực tế hiện nay, một lần nữa chúng ta phải khẳng định rằng: Chỉ có đổi mới, đổi mới một cách quyết liệt, toàn diện từ tư duy đến hành động, từ những việc làm nhỏ nhất thì ngành Đường sắt mới có thể tồn tại và phát triển.

Thực tiễn đã chứng minh, xây dựng và phát triển ngành Đường sắt là sự nghiệp chung của nhiều người, nhiều thế hệ; công cuộc đổi mới không thể chỉ dựa trên ý chí của một mình ai mà cần sự đồng lòng, tự giác thực hiện của mỗi cán bộ, công nhân viên. Vì thế, chúng tôi tin tưởng rằng, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, xã hội và sự chỉ đạo sát sao của Bộ Giao thông vận tải, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách để tiếp tục vươn lên và phát triển; tất cả các thành viên trong Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quyết tâm chung sức - đồng lòng, đồng cam - cộng khổ, cùng phấn dấu cho mục tiêu chung, vì lợi ích của 4 vạn cán bộ, công nhân viên, lao động, vì sự phát triển của ngành Đường sắt Việt Nam.

Cuối cùng, kính chúc toàn thể cán bộ, công nhân viên, người lao động cùng gia đình sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

 

TỔNG GIÁM ĐỐC

TỔNG CÔNG TY ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM

 VŨ TÁ TÙNG

Nguồn tin: Baoduongsat